Kỹ thuật nuôi chim công tưởng không khó mà khó không tưởng?

  •   14-03-2018 

Chim công Ấn Độ loài chim quý hiếm đang được nhiều hộ gia đình có điều kiện nuôi làm cảnh hoặc có nhu cầu chơi, nhiều khu villa, nhà vườn, khu du lịch sinh thái cũng dần dần có sự xuất hiện của loài chim đặc sắc này. Bên cạnh đó, chim công Ấn Độ đem lại giá trị kinh tế rất cao vì thế việc thành lập trại nuôi sinh sản loài chim này rất cần thiết đồng thời góp phần bảo tồn nguồn gen. Và câu hỏi quan trọng được đặt ra là: “Cách nuôi và kĩ thuật nuôi chim công thế nào là chuẩn?

Chế độ ăn của Chim công Ấn Độ.

Chim công là loài động vật có nguồn gốc hoang dã nhưng việc nuôi nó không quá khó. Ưu điểm của loài này là sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao. Thức ăn đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là thóc, ngô và rau xanh, cỏ chiếm 60%. Lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí chăn nuôi.

Riêng con non sẽ có chế độ ăn khác hơn chim công trưởng thành. Theo đó, đối với con mới nở thì khẩu phần ăn là 100% cám gà tổng hợp. Sau 30 ngày tuổi, hệ tiêu hóa đã cứng cáp hơn có thể pha thức ăn theo tỷ lệ: 70% cám tổng hợp 30% ngô hoặc thóc nghiền. Chim công 6-8 tháng tuổi có thể nuôi nhốt ngoài chuồng lớn cùng các cá thể khác thì tỷ lệ cám tổng hợp chỉ còn 50% và lúc này nên cho công ăn bổ sung các loại rau xanh thái nhỏ như rau ngót, cải…

Lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí chăn nuôi.

Khi công đến tuổi trưởng thành, có thể cho ăn cám tổng hợp và các loại ngũ cốc nguyên hạt như ngô, thóc. Đặc biệt cần tăng cường nhiều rau xanh để tăng sức đề kháng, giúp công có bộ lông bóng mượt, màu sắc rực rỡ. Nước sử dụng cho chim công tuyệt đối phải là nước sạch. Với chim non nên dùng nước đun sôi để nguội để bảo vệ hệ tiêu hóa còn non nớt.

Người nuôi có thể sử dụng loại máng ăn, uống dùng cho nuôi gà, vịt để đựng thức ăn, nước uống cho chim. Thay nước định kỳ 1 lần/ ngày (nếu không có hệ thống uống tự động). Thường xuyên vệ sinh máng ăn, uống để tránh mầm bệnh gây hại cho chim.

Các bệnh thường gặp ở Chim công Ấn Độ.

Các bệnh thường gặp khi nuôi Chim công Ấn Độ: Bệnh do nhiễm khuẩn đường ruột: (phân xanh, phân trắng…), do nhiễm khuẩn ECOLY, bệnh tụ huyết trùng, xù lông, teo chân. Bệnh sưng mặt, phù đầu, bệnh về đường hô hấp (sưng phổi, thở khò khè), do kí sinh ngoài da (ghẻ): có thể sử dụng thuốc đặc trị ghẻ của chó, mèo phun trực tiếp lên chim (tránh phần mắt). Bệnh giun, sán ở mắt dẫn đến hiện tượng mù mắt (trích ngừa bằng kháng sinh đặc trị).

Lưu ý: Người nuôi Công nên thường xuyên tiêm phòng cho chim các loại vacxin theo hướng dẫn của bác sỹ.

Kỹ thuật xây dựng chuồng trại

Kỹ thuật làm chuồng Công khá đơn giản, thiết kế sao cho thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Tùy vào số lượng vật nuôi, độ rộng hẹp của chuồng công có thể khác nhau. Một ô chuồng đúng tiêu chuẩn (có thể nuôi từ 4 – 6 cá thể chim trưởng thành, hoặc 10 – 15 cá thể từ 6 – 12 tháng tuổi) thường có thiết kế chiều rộng 3,5m – 4m, chiều dài 5m – 6m, chiều cao 2,7m – 3m.

Vật liệu làm chuồng có thể dùng tre, nứa, hay lưới B40 quây xung quanh hoặc làm vách ngăn. Nóc chuồng dùng lưới cước để chim không bay ra. Người nuôi cũng có thể dùng các tấm lợp nhựa để lợp mái chuồng để chim có chỗ trú mưa.

Lưu ý: không dùng lưới thép nhỏ hoặc cước nylon làm vách ngăn, vì chim sẽ lầm tưởng là thức ăn, dễ dẫn đến thủng ruột hoặc thắt diều. Không gian nuôi chim công phải luôn khô thoáng để phòng tránh bệnh.